Cảm nhận của SV CLC sau chuyến đi kiến tập Tây Ninh

Trần Ngọc Quỳnh Mai K14404C
Đầu tháng 9/2015 vừa qua, các thầy cô Khoa Tài chính - Ngân hàng đã tổ chức cho sinh viên hai lớp K14404C và K14409C đi kiến tập tại Tây Ninh. Chuyến đi 3 ngày 2 đêm đã giúp sinh viên chúng em học hỏi thêm nhiều điều đồng thời có những trải nghiệm bổ ích và thú vị trước khi bước vào học kì mới. 
Địa điểm đầu tiên của chuyến kiến tập chính là Công ty TNHH Brotex Việt Nam (thuộc công ty TNHH Cổ phần Bros Đông Dương -Trung Quốc), được biết đến là một trong những tập đoàn dệt may lớn có 100% vốn nước ngoài. Công ty tọa lạc trên đường N12 Khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh với vốn điều lệ lên đến 25.000USD. 
Ấn tượng đầu tiên của em là vô cùng choáng ngợp trước sự rộng lớn về quy mô của công ty. Nằm trên mảnh đất rộng hàng chục hecta với nhiều tòa nhà khang trang, bao gồm nhà điều hành, các phòng ban, nhà xưởng, kí túc xá cho công nhân, nhà ăn. Công ty TNHH Brotex Việt Nam đã mang lại cho em một cái nhìn mới về khu công nghiệp: hiện đại, rộng lớn nhưng vẫn sạch sẽ, thoáng mát và thân thiện với môi trường. Xung quanh các khu nhà phục vụ cho việc sản xuất là những mảng xanh của cây cối để đem lại môi trường làm việc và sinh hoạt tốt nhất cho công nhân.
 
Đi thăm nhà xưởng Công ty Protex
Ấn tượng thứ hai của em là về sự thân thiện của không chỉ của các anh, chị công nhân viên mà còn cả các cấp lãnh đạo nơi đây. Đón tiếp chúng em chính là ngài Tổng giám đốc người Trung Quốc cùng với những lãnh đạo cấp cao khác của công ty. 
 
Lãnh đạo công ty Protex giới thiệu về công ty
Mặc cho cái nóng gay gắt của buổi trưa nhưng các vị ấy vẫn tận tình giới thiệu cho chúng em về công ty Brotex Việt Nam, trực tiếp dẫn đi tham quan khu nhà xưởng sản xuất, khu trưng bày sản phẩm mẫu và khu nhà hành chính với các phòng ban. Các anh chị nhân viên văn phòng cũng rất thân thiện, vui vẻ trò chuyện, giải đáp những thắc mắc của đoàn tham quan về sản phẩm công ty, quá trình buôn bán, hoạt động kế toán, khu kí túc xá,... Tuy khác nhau về ngôn ngữ, tuổi tác nhưng bản thân em vẫn cảm nhận được tấm lòng của họ dành cho chúng em. Không những thế, họ còn nhiệt tình mời cả đoàn một bữa cơm trưa tại nhà ăn của công ty. Nhà ăn ở đây quả thật là khá rộng rãi, sạch sẽ và đồ ăn thì khá ngon miệng.
Địa điểm kiến tập thứ hai là Công ty Cao Su Hòa Hiệp Hưng do chú Nguyễn Nhật Long làm giám đốc. Công ty chính thức đi vào hoạt động vào 4/2007 tại địa chỉ tổ 3, ấp Hòa Đông B, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, Tây Ninh. Nhiều năm nay, công ty sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả trong kinh doanh các sản phẩm cao su thiên nhiên, khai thác thế mạnh của tỉnh nhà, đóng góp vào ngân sách tỉnh Tây Ninh mỗi năm 15 tỷ đồng. Nguồn cao su của công ty có từ 2 nguồn: một là từ 3.000 ha trồng cao su hầu hết là của các thành viên HĐQT, do đó nguồn nguyên liệu đầu vào mủ cao su chế biến của công ty luôn được chủ động; nguồn thứ hai là từ các hộ trồng cao su nhỏ lẻ, tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong tỉnh.
Đến với công ty Hòa Hiệp Hưng, chúng em được chú Long thân thiện giới thiệu về tình hình hoạt động của công ty. Qua lời kể của chú, em biết được thêm nhiều điều về các loại cao su đang được sản xuất tại đây cũng như tình hình sản xuất cao su chung của tỉnh Tây Ninh. Mặc dù là một doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả trong tỉnh nhưng vì điều kiện kĩ thuật ở Việt Nam chưa được phát triển nên hiện tại, các công ty cao su của nước ta chủ yếu chỉ mới sản xuất được các nguồn nguyên liệu thô để xuất khẩu sang nước ngoài. Chính vì điều này đã khiến cho chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư lớn. Đó là một điều đáng tiếc của ngành cao su nước nhà.

Cùng chú Nguyễn Nhật Long, giám đốc Công ty Cao su Hòa Hiệp Hưng
Sau đó, chú Long cũng rất nhiệt tình khi dẫn cả đoàn đi tham quan một vòng công xưởng. Có đi thực tế thì chúng em mới cảm nhận được hết môi trường, công việc nặng nhọc của công nhân. Ở đây, không khí rất nóng và có một loại mùi đặc trưng của cao su cũng như các chất hóa học sử dụng trong quá trình sản xuất. Thật sự, không phải ai cũng có thể chịu đựng được hoàn cảnh làm việc nơi đây để có thể gắn bó lâu dài với nghề. Theo lời chú Long chia sẻ thì các công nhân, các kĩ sư có tri thức, có bằng cấp sau khi làm việc một thời gian thì đều rời đi vì công việc quá vất vả. Bản thân em cũng cảm thấy buồn, không có người giỏi làm việc bằng công nghệ mà chỉ nhờ vào kinh nghiệm thì liệu đến bao giờ ngành cao su của ta mới phát triển hơn được. Đây cũng là lần đầu tiên em được tận mắt chứng kiến khu vực xử lý nước thải lớn như vậy. Em mong rằng các công ty khác cũng cần phải chú trọng hơn vào lĩnh vực xử lý nước thải trước khi thải ra ngoài để góp phần bảo vệ môi trường. Quả thật đây là một chuyến đi lí thú, giúp em mở mang tầm mắt cũng như kinh nghiệm thực tế của mình.

Tham quan Tòa thánh
Ở chuyến đi kiến tập lần này, không chỉ được đến thăm các công ty ở tỉnh Tây Ninh mà chúng em còn có dịp tham quan các địa danh nổi tiếng như Núi Bà Đen, Tòa Thánh, Trung ương cục Miền Nam. 

Nghe thuyết minh về Khu di tích Trung Ương Cục Miền Nam
Đến Trung ương cục Miền Nam, em và các bạn có dịp ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, thích thú khám phá khu rừng cùng những ngôi nhà lá mà các vị lãnh đạo Đảng, quân đội đã ở và hoạt động. 


Một trong các ngôi nhà của các vị lãnh đạo ở Trung Ương Cục
Quả thật, chuyến tham quan, kiến tập đã mang lại cho em nhiều điều hơn là em đã nghĩ. Cảm ơn các thầy cô trong Khoa Tài chính – Ngân hàng và Trường Đại học Kinh tế - Luật đã mang đến cho chúng em chuyến đi bổ ích này. Em đã biết thêm được nhiều điều, có thời gian vui vẻ và gắn kết hơn với các thành viên trong lớp. Em mong rằng sẽ có thêm nhiều dịp như thế này nữa.
Em xin chân thành cảm ơn.