UEL – tuổi đã hồng và ước mơ đã thắm

“…Có những mùa yêu chưa xa đã nhớ.

Có những mùa chở thương nhớ vội quá chẳng kịp về…”

     Tháng 08 – Những ngày mùa thu len lén gõ cửa. Buổi sáng hôm nay thật êm đềm. Phố tươi màu trời xanh, lấp lánh những vệt mây trôi bồng bềnh, trong vắt. Kéo nhẹ tấm rèm để gian phòng hứng trọn ban mai thanh khiết, vài giọt nắng luồn qua khung cửa sổ, long lanh vàng ươm như mật ong. Trước ban công, cánh hồng tỉ mụi bé xinh vừa rụng, nụ mới lại nở bung, xinh đẹp dịu dàng. Mùa bình yên trãi muôn sắc ấm áp, lòng bỗng tươi vui hồ hởi đến lạ! 
     Bắt đầu ngày mới bằng việc khoác lên người bộ đồng phục được là phẳng phiu, mình lại thong thả chạy xe qua con đường quen thuộc dẫn đến nơi làm việc. Vừa gặm mẩu bánh mì và nhấp một ngụm cà phê sữa thì tin nhắn đến. Sang bảo “Tụi mày ơi, ngày này nhiều năm trước là lễ tốt nghiệp của tụi mình”. Giật mình, thời gian trôi nhanh vậy rồi sao? Vội vội vàng vàng, mình truy cập vào mục “ngày này năm xưa” – 1 ứng dụng lưu trữ kỷ niệm của Facebook, thì từng thước phim, từng hình ảnh của ngày Tốt nghiệp hiện lên, mọi ký ức hiện rõ mồn một, từng chút một. Thật nhiều hoa, nhiều những chiếc ôm, nụ cười rôm rả, có ánh mắt trìu mến, có thầy cô, bạn bè, có giảng đường, hàng cây ghế đá…
     Tháng 08, tiếng tân sinh viên í ới gọi nhau nô nức nhập học, tiếng một lứa tân cử nhân nữa làm lễ trưởng thành, rời xa UEL – ngôi trường mến yêu của tất cả chúng ta…

     Lật lại mùa thu tháng Tám của năm 18 tuổi, có cô tân sinh viên tỉnh lẻ lần đầu xa nhà, leo lên chuyến xe đò đoạn đường dài vài trăm cây số, năm tiếng đồng hồ cùng hành trang gồm tình thương của mẹ, niềm tự hào của cha, giấc mơ về thành phố hoa lệ, về ngôi trường hằng ao ước. Mọi thứ thật mới mẻ, hồ hởi và tràn trề hi vọng. Ngôi trường mà mình đã mơ về trong suốt ba năm trung học phổ thông, ngôi trường luôn xuất hiện trong những câu chuyện kể với bạn bè, trong những phút giây mơ về Sài Gòn và trong bộ hồ sơ chọn lựa năm 18 tuổi. May mắn làm sao, ước mơ thành hiện thực. Và cô tân sinh viên từng bước, từng bước trải qua những tháng ngày tuổi trẻ tuyệt vời tại chính nơi mà cô hằng mong.

     UEL đối với mình không chỉ là “mối tình đầu”, là giảng đường Đại học, mà hơn thế nữa, UEL là một gia đình. Tại nơi đây, mình có những người bạn bè, anh em chí cốt. Có thầy cô quan tâm, yêu thương, tâm lý, có những cô lao công, bác bảo vệ thân thiện, vui vẻ. Có những hoạt động đoàn hội, CLB sinh viên, có những giận hờn yêu ghét vui buồn thời tuổi trẻ nồng nhiệt, có mọi ký ức tuyệt diệu. UEL trong mình thân thuộc như từng hơi thở.

     UEL ngày đó chỉ có 1 cơ sở, mỗi khóa lúc bấy giờ chỉ 1 lớp/ngành, lại còn được ở Ký túc xá khu B ĐHQG, nên tụi sinh viên chúng mình thân nhau lắm. Ký túc xá là nơi chứa vô vàn kỉ niệm sinh viên. Là sân gạch nơi tụ tập, họp hành, đàn hát, chơi ma sói, xếp vòng tròn hòa thanh “đời sinh viên có cây đàn ghita”. Là ghế đá, cổng chờ, mỗi buổi chiều tà ai đợi ai, ai chờ ai, ai hờn ai dỗi rồi lại huề nhau. Nhớ chiều mưa lạnh “thí mụ nội”, con bạn gọi xuống sân ngồi khóc hụ hụ lí do vừa đi coi bói về ông thầy bói nói nó không bền với người yêu đâu, thế mà chúng nó quen nhau thêm gần 3 năm sau đó (và cũng vừa kịp chia tay). Là những buồn vui sớm tối đều có nhau. Sáng sớm nước mắt ngắn dài gõ cửa phòng con bạn "mày ơi nó có người yêu rồi", hay mấy lúc đi hẹn hò đi dự tiệc, là lại xúng xính nhờ thắt tóc, mượn đầm, mượn giỏ, sơn móng tay…Nhớ trận bệnh thiếu sống thừa chết, 1 đứa ngồi sau giữ mình, 1 đứa mượn xe chở mình vô trạm y tế.... Nhớ mấy buổi ca nhạc ca sĩ “hoành tráng lệ”, cả bọn rủ nhau xem rồi quẫy nhiệt tình. Ngày Lễ, Tết, Giao thừa dương lịch, khi đồng hồ điểm 12h đêm, cũng là lúc tụi mình chạy ra ban công, hét thật to “Happy New Year”, “Chúc mừng năm mới”, nhà nam chúc qua, nhà nữ đáp lại. Lúc ấy, tuy bảo vệ và trưởng nhà đều bắt cả bọn đi ngủ nhưng chẳng đứa nào nghe lời. Kệ, Tết mà. Vui đi, rồi mai viết kiểm điểm sau hén!

     K13 trở về trước được học 1 năm ở cơ sở Linh Trung (Trường ĐH KHTN), bên đó có vườn điều, vườn tràm, khu tự học, đặc biệt là gần làng Đại học. Nói về cái làng Đại học, ai là sinh viên ở làng thì hẳn không thể không biết đến sinh tố Chửi, bò kho Cổng chui, tàu hũ Cổng ĐH TDTT, kem flan Nhà điều hành, hủ tiếu gõ, lẩu cá 44, quán nhậu Ông 8, xiên que đồ nướng, chân gà cút chiên bơ, cỏ 4 lá, trà sữa Oh my god, Hội quán sv. Ở KTX không được nấu ăn nên câu hỏi thường nhật của sinh viên là “Tối nay ăn gì?”
     Cũng phải kể đến lần cả bọn trốn môn Kế toán, lén lút ném cặp ra cửa, rồi bò bò chui chui thoát ra ngoài, bắt xe buýt 33 chạy về làng, leo hàng rào chui vô KTX A hát karaoke. Nơi đó là chỗ để mấy đứa thất tình lựa toàn là "Tình Em" "Con tim mong manh" "Yêu dại khờ" " Kiếp ve sầu". Hát cho đã rồi mở bài “Ngốc nghếch” quẫy điên cuồng. Xong kéo nhau ra Con Đường Tình Yêu, nằm lăn ra đó ngắm trời đất. Hay những buổi xoay chai nói thật, thú tội thú tình, rồi ôm nhau khóc lóc, nói rằng ở Sài Gòn này, tao chỉ thương có tụi mày thôi đó. Rồi cũng chính là môn Kế toán, sau tiết kiểm tra giữa kì thành công vang dội, cả bọn lại nảy ra ý tưởng “Hay là, Vũng Tàu hén”! Đó là lần đầu, nhóm bạn 19 tuổi dắt díu nhau đi du lịch Vũng Tàu – một trong những nhà băng lưu trữ kỉ niệm của sinh viên Sài Gòn.

     Có ai còn nhớ Hội diễn văn nghệ công đoàn trường, khi mà các Thầy cô trở thành những nghệ sĩ trên sâu khấu, thay vì trên bục giảng như thường lệ không?  Tụi sinh viên ngồi bên dưới, cổ vũ nhiệt tình, trầm trồ thán phục và vỗ tay khích lệ thầy cô. Có ai nhớ thầy Phong – ông lái đò Nam Bộ, cô Quế với giọng hát du dương, tha thiết trình bày ca khúc “Khoảnh khắc”, thầy Khoa – thầy giáo hotboy của khoa, kể chuyện luôn thu hút sinh viên – cũng là bạn dẫn tâm đầu ý hợp với mình trong các chương trình, đồng thời là niềm ngưỡng mộ của các nữ sinh viên, và là “mẫu hình lý tưởng” của tụi nam sinh viên. Mình cũng luôn nhớ về thầy Khánh, thầy Hiệp. Khi mình đang làm việc ở Hội sở Sacombank, các thầy đến tham dự chương trình, nhìn thấy các thầy, mình vừa mừng vui, vừa xúc động và tự nhủ phải luôn cố gắng hết mình để là niềm tự hào của thầy cô tại chốn này. Mình sẽ nhớ mãi những dòng động viên, khuyên nhủ và tư vấn của thầy Phú, khi mình đứng trước những quyết định cơ hội nghề nghiệp. Cô Diễm Hiền với mái tóc dài thướt tha, cô dịu dàng như mẹ hiền. Cô Trúc cá tính, mạnh mẽ nhưng cũng vô cùng nữ tính. Cô Hai Hằng giản dị, thân thiện. Cô Hồng Minh rất gần gũi, hay cười. Cô Ngân cố vấn học tập luôn tâm sự, hỏi thăm tụi mình. Cô Cành với ca khúc Chiều Moskva trong lễ Tri Ân Nhà giáo 20/11 làm bao trái tim thổn thức. Thầy Huy ngày đó là Trưởng khoa, luôn tạo mọi điều kiện tốt cho tụi mình và sẵn sàng giới thiệu, tư vấn việc làm lẫn học tập cho sinh viên. Có anh Thanh thư kí khoa cũng là cầu nối để sinh viên đến gần hơn với khoa, anh nhiệt tình, hoà nhã… Và tất cả những Thầy cô khác nữa. Cám ơn UEL đã cho mình gặp những bậc thầy đáng kính, hết mực thương yêu, thân thiện, luôn quan tâm đến tụi trẻ xa nhà, ở vùng đất hoa lệ này.

     Trong mỗi cuộc đời, trên mỗi chặng đường, có lẽ mọi thế hệ sinh viên UEL đều không bao giờ quên được bệ phóng vững vàng, tươi sáng này. Ở nơi mà tuổi trẻ rộn ràng sống động hơn bao giờ hết, ở nơi đã vun rèn ý chí, đào tạo nhân cách và sản sinh ra những thế hệ tân cử nhân với trái tim nóng, cùng cái đầu lạnh, nắm giữ những vị trí cốt cáng trong các doanh nghiệp, tổ chức đồng thời cũng là những công dân tốt, giàu lòng nhân ái trong xã hội. Mình luôn biết ơn và trân trọng những năm tháng ấy. Dẫu mai đây tụi mình có ở lại Sài Gòn, hay trở về quên nhà, hay sống ở đâu đó trên trái đất này, thì mãi mãi cũng giữ hình bóng nơi này trong lòng. Tại UEL – tuổi đã hồng và ước mơ đã thắm. 

Sài Gòn, 13/08/2020
Học trò Mai Viên
K134040531