Nhìn lại

Chặng đường nó đi đầy chông gai và nước mắt. Nó đã phải chiến đấu rất rất nhiều.
Ngày đầu, nó nước mắt ngắn dài, ôm lỉnh kỉnh đồ đạc cá nhân theo chân ba đến cái vùng đất hoàn toàn xa lạ, nơi mà những ngày tháng tiếp theo nó sẽ phải sống một mình. Ba nó cũng đã quá hiểu nó mà, nó “bánh bèo” dữ lắm, thế là dắt tay con gái, chỉ đường đi từ nơi ở tới trường. Qua mỗi khúc cua, ba nó đứng lại, tìm cái tên đường hoặc một bảng hiệu dễ nhớ rồi bảo với nó: “Nhớ nha con, tới chỗ này là con quẹo trái/phải đi tiếp nè”. Cứ như thế, nó thuộc đường đến cổng trường lúc nào chẳng hay. 
Nhớ lần nộp học phí lần đầu tiên tại phòng Tài chính, ba nó không vào, ba nó muốn nó tập tự lập từ đây. Ba nó đưa tiền cho nó tự vào đóng học phí, nó chỉ biết cầm, ba nó gọi nó lại và bảo: “Sao con không đếm tiền ba đưa, sau này ai đưa tiền thì con phải kiểm tra lại chứ, biết đâu nó không đủ như số người ta nói thì sao, con nhớ chưa?”. Đấy, nhỏ nhặt thế thôi mà ba nó cũng phải dặn dò nó…. Rồi đến lúc ba nó phải về nhà, nó sẽ không quên giờ phút đó. Cái cảm giác phải ở lại nơi xa lạ một mình khiến nó chỉ muốn chạy theo ôm chầm lấy ba mà năn nỉ được về cùng. Mặc dù, trước khi về, ba nó không quên dặn dò nó đủ điều, từng li từng tí một, cứ nhắc mãi chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, rồi còn bảo nó hôm nào mệt, hay lỡ trễ học thì gọi ngay xe ôm mà đi. Lúc đó, nó chẳng màng tới mấy chuyện đó, mấy lời đó, mà chỉ chăm chăm nghĩ tới chuyện ba nó sắp để nó lại nơi đây.

Tuần đầu tiên của nó trôi qua, mẹ nó ở nhà dường như cũng canh từng giờ từng phút nó đi học về để gọi điện cho nó. Nó hay khóc, mẹ nó cũng chẳng yên. Sau một tuần, biết ba và em sẽ lên thăm, cả buổi học hôm đó nó ngồi không yên, chỉ mong thời gian trôi thật nhanh để phóng ra khỏi lớp. Rồi lúc gặp nó, ba nó mừng ra mặt, lại dặn dò đủ điều, tra hỏi có bỏ bữa không... Nó còn nghe mẹ kể lại khi về đến nhà ba còn xót xa “Trời ơi, sao mà con mình người thì ốm nhom nhom, mặt mày xanh mét như tàu lá chuối!”.
Ba là thế đấy, yêu thương, lo lắng con gái còn hơn bản thân mình. Có những hôm trời mưa, nó nhớ nhà không chịu nổi, gọi về nhà. Nghe nó khóc lóc than vãn nhớ nhà, ba nó đã khóc theo: “Ba biết con nhớ nhà nhiều lắm, ba mẹ đây cũng nhớ con không kém, nhưng con phải cố lên, cố gắng học nha con!” Không kịp cho nó dạ, ba nó đã cúp máy.
Nó không gọi cho ba nó nữa, nó viết thư tay, lá thư đầu tiên nó nắn nót viết mà thẫm đẫm nước mắt. Những ngày đầu tiên của nó đậm chất “bánh bèo” như thế đấy!
Rồi một ngày đen tối của nó chợt đến. Cả bầu trời bỗng như sụp xuống. Nó không nhận thức được nữa. Người cứ lơ lửng trên chín tầng mây, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cũng không hiểu lời ông bác sĩ nói gì. Nó chả hiểu gì cả, và thực sự không muốn hiểu. Cái mùi lạnh lẽo rùng mình khi đứng trước nhà xác của bệnh viện, nó như chết lặng đi... 
Nó suy sụp, không lối thoát... Cái cảm giác đáng ghét ấy giày vò nó, bóp nghẹt trái tim nó... Ba đâu rồi? Ai sẽ nghe nó nhõng nhẽo bánh bèo? Ai sẽ vuốt tóc nó, an ủi khi nó buồn? Ai sẽ lau nước mắt khi nó khóc?
Rồi khi mất điểm tựa yêu thương, nó đã cố gắng để mạnh mẽ lên rất nhiều, cái “bánh bèo” trong nó đang được cải thiện ngày qua ngày. Nó hiểu, nó cần phải tỏ ra vững vàng để mẹ nó yên tâm lo cho em nó nữa. Chưa làm được gì nhưng chí ít nó cũng đã vượt qua giới hạn của bản thân…
Dù muốn hay không, nó vẫn phải bước tiếp. Nó hiểu, khi đã đến với cuộc sống này, nhiều lúc nó không có quyền lựa chọn. Những ngày đã qua của nó đáng nhớ lắm. Nó tự hào vì  nó đã đứng dậy, đã chiến thắng bản thân.
Từng khoảng thời gian, từng sự kiện, từng con người nó gặp... đã cho nó bức tranh “Những năm tháng sinh viên” đầy màu sắc. Bức tranh ấy có nụ cười của ba, có sự tảo tần của mẹ, có cái nhìn yêu thương của anh chị em nó, có sự tận tình của thầy cô, có tiếng cười của bạn bè…  
Xin cám ơn cuộc đời đã đem đến bên nó những con người sống để yêu thương!
(Nguyễn Thùy Trang – K13405)